Bài toán thiếu điện vẫn khó giải

 11:39 05/06/2023

 Lượt xem: 382

 

Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tiếp tục được bổ sung thủ tục để vận hành thương mại, đến nay đã có hơn 472 MW phát lên lưới. Tuy vậy, nguy cơ thiếu điện, đặc biệt khu vực phía bắc, vẫn rất lớn.

Miền Bắc có thể thiếu… 8.000 MW

Hôm nay (3.6), theo lịch cắt điện của Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội, một số khu vực thuộc quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Gia Lâm… và các quận huyện lân cận tiếp tục bị mất điện từ sáng đến chiều. Hai ngày trước đó, một số khu vực tại các quận nói trên và Q.Hà Đông cũng bị cắt điện luân phiên theo thông báo lịch cắt điện của Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội.

Như vậy, sau TP.HCM, thủ đô Hà Nội bắt đầu vào kỳ cắt điện luân phiên. Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng cho biết trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt diện rộng đã làm sản lượng điện tiêu thụ của 27 tỉnh, thành phía bắc tiếp tục tăng cao. Tính riêng 2 ngày cuối tháng 5 (30 - 31.5), lượng điện tiêu thụ tại khu vực này lần lượt là 302,89 triệu kWh và 310,88 triệu kWh.

Bài toán thiếu điện vẫn khó giải - Ảnh 1.

Nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Bắc cao hơn miền Nam trong thời gian tới

Đ.N.T

Trước đó, ngày 22.5, EVNNPC ghi nhận mức tiêu thụ điện lên đến 313,63 triệu kWh, cao hơn 45,9 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 17,18%). Theo thống kê của Điện lực Hà Nội, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày trên toàn TP tháng 3 là 58.336 triệu kWh, tháng 4 là 61.542 triệu kWh, sang tháng 5 là 75.406 triệu kWh. Như vậy, bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4 năm 2023.

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng này sẽ tiếp tục kéo dài trong 4 - 5 ngày tiếp theo và diễn ra trên diện rộng ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nhiệt độ trong ngày phổ biến ở mức 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Từ tháng 6 - 8, cao điểm của các đợt nắng nóng, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022. Đặc biệt, các địa phương có nắng nóng gay gắt như Điện Biên, Sơn La, nhiệt độ phổ biến từ 37 - 39 độ C, có nơi trên

40 độ C như H.Mường La (Sơn La) khoảng 42,4 độ C, H.Sông Mã và TT.Yên Châu (Sơn La) khoảng 41,3 độ C… Cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại khu vực miền Bắc, đến nay tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn đều có lưu lượng nước về hồ rất kém, nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Bên cạnh đó, một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống lại bị suy giảm công suất và gặp sự cố do phải vận hành liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài.

Thế nên, để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, EVNNPC vừa có khuyến cáo khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện. Theo Trung tâm Điều độ quốc gia, tính đến 13 giờ 30 ngày 1.6, công suất lớn nhất trong ngày lên đến 43.184,5MW, sản lượng tiêu thụ trong ngày toàn quốc lên đến 883 triệu kWh. Đây là mức tiêu thụ điện hằng ngày cao hơn nhiều mức bình quân năm ngoái.

Lượng điện tiêu thụ tăng cao nên hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng 1.600 - 4.900 MW. Theo phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 6.2023, tính toán cho trường hợp cực đoan, hệ thống điện miền Bắc cập nhật có thể thiếu hụt khoảng 8.000 MW. Trong khi đó, mức giảm cung cấp điện lớn nhất của EVNNPC và Tổng công ty Điện lực Hà Nội chỉ khoảng 4.100 MW.

Chiều 2.6, trả lời Thanh Niên, đại diện EVN vẫn cho hay nguy cơ thiếu điện, cắt điện luân phiên khu vực phía bắc vào một số ngày nắng nóng cao điểm vẫn hiện hữu do nguồn nước về các hồ thủy điện vô cùng khó khăn. Áp lực thiếu điện, cắt điện luân phiên tại khu vực phía bắc trong thời gian tới, đặc biệt vào ngày nắng nóng là rất lớn.

Điện tái tạo chỉ phụ cho miền Nam

Tính đến ngày 2.6, có 9/85 dự án/một phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đã được phát điện lên lưới, với tổng công suất hơn 472 MW. Nhiều người hy vọng, nguồn điện này sẽ hỗ trợ phần nào thiếu hụt trong những ngày cao điểm.

Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tập trung chủ yếu khu vực miền Nam và Nam Trung bộ. Phát lên lưới được MW nào cũng chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ điện ở phía nam. Chưa kể từ năm ngoái, đường truyền tải điện từ Nam ra Bắc đã chạy hết công suất, nên ngay cả nguồn điện huy động được ở khu vực phía nam lúc này có dư cũng không chuyển ra bắc được. 

"Chu kỳ thiếu điện tại khu vực miền Bắc chỉ khoảng 20 ngày. Cho dù sản xuất kinh doanh sụt giảm, GDP giảm thì điện tiêu thụ vào những ngày trong chu kỳ cao điểm này vẫn xảy ra, bởi nắng nóng dùng điện tăng, thủy điện không huy động đủ… Trong khi đó, nguồn điện nhập khẩu vẫn rất thấp nên vào ngày cao điểm, thiếu điện sẽ xảy ra trên diện rộng toàn miền Bắc, không riêng thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, tuy được phát lên vài trăm MW điện, nhưng chủ yếu là điện mặt trời, chỉ vài tiếng trong ngày, ban đêm là không có kWh nào. Nên miền Nam cũng không "giàu có" nguồn trong mùa khô đâu", vị này nói.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia vừa có văn bản đề xuất EVN hiệu chỉnh Bảng phân bổ mức ngừng giảm cung cấp điện cho các tổng công ty điện lực khi hệ thống điện quốc gia ở chế độ cực kỳ khẩn cấp. Một là tăng mức tối đa ngừng giảm cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW (tương đương mức giảm cung cấp điện của hệ thống điện miền Bắc khoảng 8.100 MW); hai là giữ nguyên nguyên tắc phân bổ cho các tổng công ty điện lực theo các khung giờ ban ngày từ 7 - 16 giờ được chia theo tỷ lệ công suất phụ tải P trung bình lúc 12 giờ (không tính công suất nguồn điện mặt trời mái nhà) của ngày làm việc. Các khung giờ còn lại được chia theo tỷ lệ công suất phụ tải P lớn nhất trong cao điểm chiều các tháng 4 - 7.2022 và các tháng 4 - 5.2023. Riêng EVNNPC và Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đề xuất vẫn được ưu tiên không cắt giảm, với mức ngừng giảm từ 500 MW toàn hệ thống trở xuống.

Dù vậy theo ông Đào Nhật Đình, một mặt tăng tốc giải quyết cho phát nốt nguồn năng lượng tái tạo của các nhà máy. Tuy không ổn định, nhưng năng lượng tái tạo đang là "giải pháp tối ưu" cho tình trạng thiếu điện trong thời gian tới. Mặt khác, muốn không thiếu điện phải "nuôi" thừa công suất. Hiện tại, các tính toán của chúng ta chỉ tối ưu nhất có thế, không thừa nên khi gặp sự cố, luôn đối diện áp lực thiếu.

"Nhưng duy trì công suất thừa thì chi phí rất cao, dẫn đến giá thành điện cao hơn. Bài toán bảo đảm cung ứng đủ điện bất chấp biến động khí hậu, nhưng giá cả phải phù hợp mức sống người dân sẽ vô cùng khó và không thể có đáp án trong bối cảnh hiện nay", chuyên gia Đào Nhật Đình thừa nhận. 

 Nguồn: https://thanhnien.vn/bai-toan-thieu-dien-van-kho-giai-185230602225223444.htm

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay120
  • Tháng hiện tại20758
  • Tổng lượt truy cập1997108
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây