Cứu điện mặt trời

 08:27 09/03/2021

 Lượt xem: 1311

 

TTO - Đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời (ĐMT), gần đây lại ít được 'lên lưới' khiến nhiều nhà đầu tư đồng loạt kêu trời. Có nhiều giải pháp để 'cứu' vốn đầu tư xã hội khỏi lãng phí nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao.

Với tỉ lệ năng lượng tái tạo (ĐMT chiếm tỉ lệ lớn) trong hệ thống tăng "chóng mặt", việc yêu cầu phải có pin năng lượng tích trữ là cần thiết. Dù vậy, các chính sách đi kèm chậm ban hành, còn thiếu đồng bộ, gây nhiều lo ngại trong phát triển bền vững điện tái tạo.

Tăng "chóng mặt" nhưng thiếu tích điện

Trước tình hình này, Thủ tướng đã phải có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát tổng thể việc triển khai dự án, xử lý vấn đề phát sinh, thực hiện kiểm tra, thanh tra về phát triển ĐMT mái nhà và nghiên cứu chính sách để quản lý có hiệu quả.

"Việc phát triển nguồn ĐMT mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt tháng 12-2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch tác động theo hướng bất lợi, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện giảm. Do những yếu tố trên nên EVN phải xây dựng và thực hiện cắt giảm nguồn mặt trời, năng lượng tái tạo khác gây lãng phí nguồn lực xã hội, tâm lý lo lắng, bức xúc nhà đầu tư" - văn bản Thủ tướng nêu.

TS Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên viện trưởng Viện Năng lượng - cho rằng nhiều tài liệu của thế giới chỉ ra phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, ĐMT, nếu dưới 20% tổng công suất của toàn hệ thống thì chưa cần đến các bộ tích điện, nhưng vượt quá 20% thì phải có bộ tích điện. Bởi nếu không có bộ tích điện thì sẽ gây ra tình trạng mất ổn định cho hệ thống, tức là khi không có gió hay mặt trời thì hệ thống sẽ mất một lượng điện quá lớn và sẽ không bảo đảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Ninh, giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho rằng hệ thống điện Việt Nam là hệ thống độc lập, với cơ chế bắt buộc phải mua hết nguồn năng lượng tái tạo phát ra, tỉ trọng nguồn này trên hệ thống ngày càng tăng, có thời điểm lên tới 30-40%.

"Tuy vậy, sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện áp mái, ngày càng lớn nhưng chính sách lại không đồng bộ như giải pháp kỹ thuật, lưu trữ điện được ban hành chậm" - ông Ninh đánh giá.


 

100% các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện chưa đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng, chỉ phát điện lên lưới khi có nắng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Lưu trữ điện: đang nghiên cứu

Liên quan đến yêu cầu của Thủ tướng về việc kiểm tra phát triển ĐMT, "chấn chỉnh vi phạm", đặc biệt là việc "trục lợi chính sách", đại diện Bộ Công thương cho rằng: nếu Nhà nước có chính sách phát triển phù hợp sẽ huy động được doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện, mang lại lợi ích chung cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Với chỉ đạo của Thủ tướng, đại diện Bộ Công thương đang lập kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện phát triển ĐMT mái nhà thời gian qua để tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, khuyến khích trong thời gian tới phù hợp với nhu cầu điện tiêu thụ, khả năng vận hành hệ thống và cập nhật chi phí.

Liên quan đến câu hỏi vì sao sự phát triển nguồn điện tái tạo tăng mạnh nhưng hệ thống lưu trữ điện, tích điện chưa đồng bộ, đại diện Bộ Công thương cho biết thời gian qua đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ - USTDA) để nghiên cứu về hệ thống tích trữ năng lượng tại VN. 

Bộ này nhìn nhận hệ thống lưu trữ có thể giải quyết việc quá tải lưới điện, ổn định tần số, điện áp... song giá thành còn cao. Vì vậy, Bộ Công thương cho hay đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Một đại diện khác của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho rằng trong xây dựng quy hoạch điện và các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, ĐMT đã tính đến các nguồn lưu trữ điện. Tuy nhiên, việc đầu tư tích năng cho công suất nhỏ có hiệu quả kinh tế chưa chắc đã cao hơn so với việc giảm công suất nguồn điện tái tạo. 

Trong khi đó, việc cắt giảm vừa qua là do tác động lớn từ dịch COVID-19 khiến phụ tải (nhu cầu điện giảm), còn nếu với mức tăng trưởng điện bình thường là 8-9% thì không phải cắt giảm và không cần nhiều tới nhu cầu tích năng.

Cần yêu cầu bắt buộc đầu tư?

Trước đây, việc thúc đẩy các thủy điện tích năng đã được tính tới. Loại thủy điện này được xây để vận hành theo nguyên lý khi thừa hoặc cần tích trữ điện thì dùng điện bơm nước lên vùng hồ cao. Khi cần huy động nhiều điện, sẽ xả nước từ hồ trên cao xuống để phát điện. 

Theo một số chuyên gia, nếu VN có quy mô thủy điện tích năng đủ lớn, tình hình nhà đầu tư ĐMT kêu ca không được huy động sẽ không căng thẳng như hiện nay. Đặc biệt, rủi ro sập hệ thống điện sẽ giảm đi do ĐMT có đặc điểm không thể phát ban đêm và đang phát mạnh có thể về sát 0 kW do thời tiết.

Đề án quy hoạch điện VIII đang được đưa ra lấy ý kiến đã đặt ra kịch bản, đến năm 2030 nguồn thủy điện tích năng và pin tích năng là 1.200 MW và 2040 là 6.000 MW.

Theo tính toán, cứ phát triển 1 MW điện năng lượng tái tạo cần ít nhất 0,5 MW điện tích trữ, thậm chí phải tương đương. Do đó, với tỉ lệ pin tích năng và lưu trữ điện chiếm chưa đầy 1,5% toàn hệ thống là thấp so với nhu cầu. 

Ông Nguyễn Văn Vi - Hiệp hội Năng lượng VN - cho rằng về lâu dài cần tính tới phương án sử dụng pin tích năng như một yêu cầu bắt buộc đối với nhà đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo. Ví dụ như trong một gia đình khi lắp tấm pin áp mái, yêu cầu phải có thiết bị dự trữ để đảm bảo cân đối. Rộng ra có thể sau này thì với một hệ thống phát triển cũng phải có yêu cầu đi kèm với bộ lưu trữ.

Theo vị đại diện A0, với công nghệ hiện nay, chi phí lắp đặt hệ thống pin tích trữ ngày càng giảm, nên cần có cơ chế giá cố định (giá FIT) cho tích trữ năng lượng và mở cho nhà đầu tư tư nhân tham gia. 

Về lâu dài, với việc phát triển thị trường điện cạnh tranh và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống năng lượng tái tạo với tỉ lệ cao, cần đưa cơ chế dịch vụ phụ trợ vào vận hành hệ thống điện. Theo đó, mọi giải pháp kỹ thuật phục vụ vận hành năng lượng tái tạo và thị trường điện đều phải có thị trường dịch vụ phụ trợ, tất cả đều đưa vào để chào giá.

Ông Trần Tuệ Quang, phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), bày tỏ sự ủng hộ việc nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích lắp đặt hệ thống pin năng lượng. 

Thực tế, pin tích trữ năng lượng đảm bảo cho việc cân bằng cung cầu, điều chỉnh và tối ưu điện áp, đảm bảo an ninh năng lượng từ giờ cao điểm sang thấp điểm, ngày sang đêm, vừa có lợi cho hệ thống, vừa có lợi cho doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện khi tỉ trọng của nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng lớn.

Một lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho hay sẽ góp ý cho Cục Điện lực và năng lượng tái tạo xây dựng các cơ chế chính sách về năng lượng tái tạo. Đơn cử như bổ sung về hợp đồng mua bán điện mẫu, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư hệ thống này, bổ sung thêm các cơ chế thông thường bên cạnh chính sách khuyến khích để giúp các nhà đầu tư đàm phán theo thị trường, thuận mua vừa bán.


 

Vẫn khuyến khích điện mặt trời áp mái

Dẫn số liệu từ EVN, đại diện Bộ Công thương cho hay tính đến hết ngày 31-12-2020, tổng số hệ thống ĐMT mái nhà (chỉ là một phần của ĐMT, còn có ĐMT mặt đất và mặt nước...) đã vận hành là 105.208 hệ thống với tổng công suất lắp đặt gần 9.731 MWp, với sản lượng điện phát lên lưới gần 1.187 triệu kWh.

Do là nguồn phân tán, chỉ đấu nối vào hệ thống điện từ 35 kV trở xuống, nên bộ này cho rằng ĐMT mái nhà ít ảnh hưởng đến quy hoạch hệ thống nguồn điện. Thời gian tới ĐMT mái nhà vẫn được xem xét tiếp tục khuyến khích phát triển phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu điện và giá thành sản xuất.

16.500 MW

Đó là tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Trong đó, điện mặt trời áp mái khoảng 8.000 MW.

Nguồn: EVN

Khuyến khích hay bắt buộc đầu tư?

TS Đặng Mạnh Cường - trưởng khoa kỹ thuật cơ sở Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM - cho hay tại các nước phát triển, có nhiều hình thức để đầu tư hệ thống tích trữ điện, như tại Úc chủ đầu tư bỏ ra 30%, 30% nhà nước rót vốn và 30% còn lại là tiền bán quota về khí thải.

Tuy nhiên, tại VN, TS Cường cho rằng ngay kể cả doanh nghiệp đầu tư hệ thống ESS để tích trữ và bán điện tại thời điểm này là hiệu quả không cao bởi quá trình sạc, xả đã hao tổn điện năng trong khi giá mua điện từ năng lượng tái tạo lại có xu hướng giảm.

Còn ông Nguyễn Hoàng Dũng - trưởng phòng năng lượng tái tạo (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3) kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận - cho rằng nếu đầu tư hệ thống ESS để giải quyết việc bị cắt giảm điện tái tạo ở một số thời điểm thì không hiệu quả.

Song trong tương lai, ông Dũng cho rằng chính sách cũng cần hướng đến việc bắt buộc các nhà đầu tư phải lắp thêm bao nhiêu phần trăm hệ thống ESS, ví dụ 20% trên 100 MW.

"Hiện công nghệ đã tốt, song giá chưa giảm, suất đầu tư một dự án điện tái tạo tăng gấp đôi. Do đó cần phải định hình trước về mặt chính sách, còn khi giá pin giảm sẽ thu hút đầu tư, như trước đây ít ai nghĩ rằng giá tấm quang năng sẽ giảm mạnh như hiện nay, khi có lợi thì các nhà đầu tư sẽ rót vốn ngay" - ông Dũng nói.

N.HIỂN - tuoitre.vn

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1513
  • Tháng hiện tại45722
  • Tổng lượt truy cập2454427
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây