Đáp án nào phù hợp giải bài toán về nguy cơ thiếu điện?

 11:00 18/09/2018

 Lượt xem: 1387

 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện phải đảm bảo sản xuất 265 – 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 – 632 tỷ kWh vào năm 2030.

Ngành điện đang đối diện hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước, dẫn đến phụ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu

3 – 5 năm nữa, khả năng thiếu điện tại miền Nam?

EVN đã tính toán cập nhật nhiều phương án cân bằng công suất – điện năng đến năm 2030. Theo dự báo, các năm 2019 – 2020 việc cung ứng điện có thể được đảm bảo. Nhưng nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng khoảng 4,4 tỷ kWh vào năm 2019, 5,2 tỷ kWh năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Đến các năm 2021 – 2023, dự báo nếu hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Sức ép phụ thuộc nguồn nhiên liệu nhập khẩu

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, có một số mục tiêu lớn được ngành điện đang đặt ra. Trong đó có việc cung cấp đủ nhu cầu các dạng năng lượng trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước (với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7 %/năm trong giai đoạn 2016 – 2035); Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt từ 137 – 147 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 218 – 238 triệu tấn dầu tương đương; Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt từ 83 – 89 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 121 – 135 triệu tấn dầu tương đương…

Thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt đang và sẽ đối mặt, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo bao gồm cả vấn đề hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước, dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng, tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên, sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, sức ép tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư, trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.

Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng, do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.


Sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện là một giải pháp đang được chú trọng

Phát triển năng lượng tái tạo bên cạnh mua điện ngoài nước

Thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo là vấn đề đang được chú trọng, góp phần giải quyết mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất và dân sinh. Theo đó, thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học là những giải pháp được chú ý.

Trên cơ sở tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và kết quả cân đối cung cầu điện cập nhật đến năm 2030, để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội, EVN đã đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp chính như sau: Giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải. Tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam. Trong đó cần có cơ chế của Nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.

Theo EVN, cần khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối, đặc biệt hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt ở khu vực miền Nam.

Để đảm bảo nguồn cung, một số các giải pháp đưa ra thực hiện đến 2021 bao gồm: Đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện, đặc biệt các nguồn điện khu vực phía Nam; Đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện, trong đó bổ sung kịp thời nguồn khí mới để thay thế cho các nguồn khí hiện hữu tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang suy giảm…

EVN cũng cho rằng cũng cần có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào, để đẩy nhanh việc đàm phán với phía Lào, nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kV hiện hữu. Đồng thời, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc ở phía Bắc theo phương án cách ly lưới điện. Theo EVN, cần phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư công trình lưới điện 220 – 110kV, để đấu nối truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Cùng với đó, tạo điều kiện để phát triển các dự án điện mặt trời, ưu tiên phát triển các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.

Nguồn: GD&TĐ

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay103
  • Tháng hiện tại34373
  • Tổng lượt truy cập2443078
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây