15:57 13/07/2019
Lượt xem: 1761
Tuy nhiên, thiết kế hệ thống điện mặt trời phức tạp hơn nhiều so với những gì bạn tưởng. Chưa kể các hệ thống không được tính toán kỹ lưỡng sẽ hoạt động kém hiệu quả và phát sinh chi phí trong quá trình triển khai. Vì vậy, chúng tôi xin tiết lộ 5 điều nằm lòng trước khi đầu tư hệ thống điện mặt trời tại nhà.
1. Chọn hình thức sử dụng điện mặt trời
Hệ thống điện mặt trời tại nhà được chia làm 3 loại là độc lập, hòa lưới và hỗn hợp. Hệ thống độc lập thường đi kèm ắc-quy dự trữ điện để sử dụng vào ban đêm hoặc khi ánh sáng yếu. Còn hệ thống điện mặt trời hòa lưới không có ắc-quy, lượng điện dư thừa sẽ đưa vào điện lưới quốc gia và bán ngược trở lại cho ngành điện, qua đó giảm thời gian thu hồi vốn ban đầu (thường mất 4-5 năm). Chính vì không cần trang bị ắc-quy nên hệ thống điện mặt trời hòa lưới có giá rẻ hơn, phù hợp với các hộ gia đình.
2. Xác định nhu cầu sử dụng và tỷ lệ tiết kiệm mong muốn
Để hệ thống điện mặt trời tại nhà thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, bạn cần kiểm tra lại hóa đơn tiền điện và xác định lượng điện tiêu thụ bình quân hàng tháng, từ đó chọn đầu tư hệ thống với công suất đủ để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào điện lưới quốc gia.
Các nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời tại Việt Nam đề xuất nên ưu tiên đầu tư điện mặt trời nếu bạn sử dụng nhiều vào ban ngày. Còn nếu chủ yếu tiêu thụ vào ban đêm, bạn chỉ nên triển khai hệ thống điện mặt trời với sản lượng khoảng 70% so với nhu cầu điện năng.
3. Lựa chọn loại pin mặt trời
Dựa trên công nghệ sản xuất, người ta chia pin mặt trời phổ biến trên thị trường thành 3 loại với hiệu suất giảm dần, bao gồm: pin mặt trời đơn tinh thể (Mono), pin mặt trời đa tinh thể (Poly) và pin mặt trời màng mỏng (Thin-Fi). Hiệu suất của tấm pin mặt trời tính theo tỷ lệ chuyển đổi quang năng thành điện năng, hiệu suất càng cao thì càng sản sinh ra càng nhiều điện năng trên cùng một đơn vị diện tích.
Bởi khác nhau về vật liệu chế tạo nên bạn có thể dễ dàng phân biệt chúng bằng mắt thường. Pin Mono có màu đen sẫm đồng nhất, pin Poly thì có màu xanh đậm với các cell pin xếp khít với nhau thành mảng lớn nguyên vẹn. Loại pin màng mỏng ít được ưa chuộng khi lắp đặt cho hộ gia đình do cần diện tích nhiều gấp đôi so với pin Mono và pin Poly.
4. Cách bố trí để tối ưu hóa hiệu suất hệ thống điện mặt trời tại nhà
Tùy vào vị trí căn nhà, bạn cần thiết kế phương án bố trí dàn pin mặt trời khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không lắp pin theo phương thẳng đứng hoặc quá dốc gây ảnh hưởng đến thời gian hứng nắng, đồng thời không lắp trên mặt phẳng ngang dẫn tới việc bị đọng nước và bám bụi trên bề mặt. Lý lưởng nhất là bố trí pin mặt trời hướng về phía Nam và nghiêng 10-15 độ.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý tới các yếu tố môi trường cản trở khả năng hứng nắng. Thông thường, các tấm pin mặt trời được đặt trên nóc nhà, thông thoáng, không có vật cản. Nếu nhà đang ở chỉ có 2 tầng, bị che chắn bởi nhiều nhà cao xung quanh thì cũng không nên lắp đặt.
5. Địa hình – Yếu tố tối quan trọng
Địa hình là yếu tố tối quan trọng, cần được khảo sát đầu tiên trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Các tấm pin thường được thiết kể để duy trì hoạt động trong khoảng hơn 20 năm. Do đó, khu vực lắp đặt phải có kết cấu chắc chắn như trần bê tông hoặc mái tôn có xà gồ để tránh phát sinh chi phí cải tạo về sau. Thông thường, 1kWp (kW peak - công suất đỉnh) pin mặt trời cần từ 7-8 m2 diện tích mặt bằng bao gồm không gian bảo dưỡng và khoảng cách giữa các dãy.
Nguồn: http://genk.vn