22:57 04/05/2018
Lượt xem: 1619
Vẫn còn 1% dân số chưa được tiếp cận nguồn điện do vấn đề địa lý và hoàn cảnh cụ thể.
Hiện nay, 99% dân số Việt Nam đã tiếp cận điện lưới và điện quốc gia, nhưng vẫn còn 1% chưa có cơ hội sử dụng điện do vị trí địa lý và hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy mục tiêu của Chính phủ là dành nguồn lực quốc gia và nhà tài trợ để đến 2020, toàn bộ người dân kể cả vùng núi, hải đảo đều được tiếp cận điện lưới quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đã có chính sách về hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng đấu nối các nguồn năng lượng tái tạo quốc gia tuy nhiên còn nhiều vướng mắc và cần có sự tổng kết tại các dự án thí điểm như năng lượng mặt trời.
Tại buổi đối thoại chính sách cho chương trình Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, ở một số địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lak, Tây Ninh, Khánh Hòa… rất tiềm năng đế phát triển nhưng vướng về đấu nối, rất cần sự hỗ trợ EU để cùng Việt Nam đầu tư năng lực đấu nối và truyền tải tại các khu vực trên.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030 và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các tổ chức hợp tác song phương và đa phương. Vì vậy các đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ tập trung vào các lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia chịu tác đống lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, hỗ trợ tài chính của EU và các đối tác phát triển khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại một ngành năng lượng sạch và bền vững hơn.
Đại sứ, trưởng đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, EU đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam hướng tới việc xây dựng một thị trường điện hiện đại, giảm khí phát thải, giúp Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh để Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh, định hướng của Việt Nam không chỉ là chuyển năng lượng từ nâu sang xanh mà cần coi việc phát triển xanh là xu hướng. Việt Nam sẽ tiếp tục nhiệm vụ điều chỉnh và xây dựng tổng sơ đồ năng lượng mới đến 2020 (tổng sơ đồ VIII) và đến ngày 17/5 sẽ có tài liệu gửi cho nhà tài trợ.
Trước đó, hợp phần hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU – Việt Nam, do EU và Bộ Phát triển và hợp tác kinh tế CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ trị giá 108 triệu Euro dưới hình thức sử dụng vốn ODA không hoàn lại đã được khởi động vào đầu tháng 3/2018.
Được biết chương trình này không chỉ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 nhằm cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho 1,2 triệu dân vùng nông thôn mà còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nhằm tạo điều kiện cho sự chuyển đổi hướng tới phát triển một ngành năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình định hướng hỗ trợ đa biên cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020 (MIP) của EU nhằm phát triển năng lượng bền vững, đặc biệt là Hiệp định tài chính chương trình hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn đã được ký kết vào đầu tháng 12 năm ngoái với tổng ngân sách dự kiến trị giá 346 triệu Euro.
Được biết đây là gói tài trợ lớn nhất được EU cung cấp cho hoạt động hỗ trợ năng lượng bền vững trên thế giới tính đến thời điểm hiện nay.
Nguồn: TheLEADER