Giá điện bình quân thông báo tăng 8,36%, cuối cùng là bao nhiêu?

 13:28 01/05/2019

 Lượt xem: 1423

 

TTO - Giá điện bình quân được thông báo tăng 8,36% từ 20-3, nhưng khi nhận hóa đơn tiền điện không ít người cảm thấy “sốc” khi phải trả thêm gấp đôi, gấp ba tỉ lệ của thông báo ấy. Vậy giá điện đang được EVN tính như thế nào?

Hiểu thế nào cho đúng về việc tiền điện tăng một cách "bất thường" và làm sao để kiểm tra được hóa đơn tiền điện liệu có chính xác? Thực tế dựa trên các hướng dẫn của chính EVN, người dân cũng có thể tính được hóa đơn tiền điện có chính xác hay không.

Rắc rối giá cũ và giá mới

Tiền điện thanh toán tháng 3-2019 được EVN tính toán dựa trên hai mức giá cũ và giá mới. Bởi việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 20-3 khi tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) nằm vào đúng giữa kỳ ghi hóa đơn của ngành điện.

Do đó, để có cơ sở tính giá điện cũ và mới, EVN sẽ dựa trên thông tư 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện của Bộ Công thương ban hành. Theo đó, trường hợp ngày ghi chỉ số côngtơ không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì việc tính tiền điện cho giá điện sinh hoạt sẽ sử dụng phương pháp nội suy.

Phương pháp này sẽ dựa trên các căn cứ gồm: lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số; số ngày sử dụng điện thực tế; biểu giá bán điện.

Khi tiền điện tăng bất thường, người dân có thể kiểm tra hóa đơn bằng chính công cụ tính toán của EVN tại đây.

Với các hộ sinh hoạt, hóa đơn điện sẽ được tính theo giá cũ và giá mới trên số ngày dùng thực tế. Do đó, áp dụng thực tế vào kỳ tính giá điện thanh toán vào tháng 4 để kiểm tra hóa đơn tiền điện, khách hàng cần xem lại hóa đơn với các thông số gồm: kỳ tính hóa đơn; chỉ số điện tiêu thụ.

Giá điện bình quân thông báo tăng 8,36%, cuối cùng là bao nhiêu? - Ảnh 3.
 

Hóa đơn tiền điên tháng 4 của một hộ khách hàng tại Hà Nội - Ảnh chụp màn hình

Lấy ví dụ một hóa đơn thanh toán của khách hàng tại Hà Nội có lượng điện tiêu thụ là 316 kWh, số ngày sử dụng thực tế là 31 ngày (kỳ ghi hóa đơn là 12-3 đến 11-4), thì số ngày sử dụng điện theo giá cũ là 8 ngày và số ngày dùng điện giá mới là 23 ngày.

Như vậy, sản lượng điện tính theo giá cũ là: (316 kWh/31 ngày)*8 ngày = 82 kWh. Sản lượng tính theo giá mới là 234 kWh. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sản lượng điện theo giá cũ và mới không chỉ được tính theo số ngày dùng thực tế, mà còn tính trên cơ sở đơn giá điện bậc thang tương ứng với tổng sản lượng tiêu thụ của tháng theo phương pháp nội suy.

Đơn cử như sản lượng điện như trên là 316 kWh, tương ứng giá điện bậc 5 thì sẽ được chia ra 5 bậc theo cả giá cũ và giá mới. Khi đó, giá cũ sẽ được tính như sau:

- Bậc 1: (50 kWh/31)*8 = 13 kWh

- Bậc 2: (50 kWh/31)*8 = 13 kWh

- Bậc 3: (100 kWh/31)*8 = 26 kWh

- Bậc 4: (100 kWh/31)*8 = 26 kWh

- Bậc 5: số còn lại là 4 kWh

Điều đó có nghĩa là ứng với từng bậc thang và đơn giá điện cũ, số tiền điện phải thanh toán trong 8 ngày với mức giá cũ là 160.545 đồng.

Khung giá mới tính từ ngày 20-3, số tiền khách hàng phải thanh toán là 546.647 đồng.

Như vậy, tổng số tiền phải thanh toán là 657.497 đồng, tính thêm VAT số tiền phải trả là 723.247 đồng.

Nếu so sánh với mức giá bán lẻ điện cũ thì cùng một lượng điện tiêu thụ là 316 kWh cho kỳ tính giá cũ (từ 12-2 đến 11-3), khách hàng sẽ phải trả 610.800 đồng (thêm thuế VAT là 671.880 đồng).

Có nghĩa là khách hàng phải trả thêm 51.367 đồng, tức giá mới tăng hơn so với giá cũ 7,6% (theo số liệu tính toán của Bộ Công thương với khách hàng dùng mức trên 300 kWh thì phải trả thêm hơn 53.000 đồng).

Do đó, để so sánh số tiền điện phải thanh toán thực tế có tăng bất thường hay không, người sử dụng điện cần dựa trên số lượng điện tiêu thụ thực tế của kỳ thanh toán so với tháng trước hoặc so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời cần phải chú ý đến kỳ tính hóa đơn, tức ngày sử dụng thực tế được cơ quan điện lực ghi rõ trên hóa đơn.

Vì sao người dân vẫn "sốc"?

Tại sao hóa đơn tiền điện nếu tính theo đúng công thức của EVN hướng dẫn theo mức tăng giá bán lẻ bình quân là khoảng 7-8%, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn cho là tăng sốc bất thường?

Giá điện bình quân thông báo tăng 8,36%, cuối cùng là bao nhiêu? - Ảnh 4.
 

Nếu so bậc 6 với bậc 1 thì mức tăng tiền điện lên tới gần 75% - Ảnh: N.AN

Từ nhiều năm nay, giá điện được tính theo 6 bậc lũy tiến, với mức giá cho từng đối tượng sử dụng là khác nhau. Thực tế, nếu so sánh giá cũ của 6 bậc với giá mới, tỉ lệ tăng sẽ xoay quanh 8,3%, tức là tương đương mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 8,36%.

Tuy nhiên, nếu so sánh mức tăng lũy tiến của từng bậc sẽ thấy, các con số được "nhảy múa" phi mã theo từng bậc.

Nếu thông thường một hộ tiêu thụ điện sử dụng dưới 200 số thì khi dùng vượt lên 300 kWh, hóa đơn tiền điện sẽ tăng thêm 25%. Còn nếu lên mốc trên 400 kWh thì tiền điện phải trả tăng thêm 40%.

Trường hợp cao nhất là nếu đang sử dụng ở mức 50 kWh mà tăng lên hơn 600 kWh thì sẽ có mức tăng tới 75%.

Theo số liệu được Bộ Công thương công bố về tỉ lệ người dân sử dụng điện ở các bậc thang tính giá điện cho thấy: trong số 25,8 triệu khách hàng sinh hoạt thì hộ sử dụng dưới 100 kWh chiếm đa số với 35,6%, trong khi lượng dùng trên 300 kWh chiếm khoảng 15% và trên 400 kWh chiếm khoảng gần 8%.

Nguồn:
https://tuoitre.vn/gia-dien-binh-quan-thong-bao-tang-8-36-cuoi-cung-bao-nhieu-20190428010822587.htm

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay285
  • Tháng hiện tại20855
  • Tổng lượt truy cập2289057
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây