Giải pháp nào để Ninh Thuận phát triển điện sạch thành công?

 16:25 30/05/2018

 Lượt xem: 1667

 

Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, tỉnh Ninh Thuận chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, cũng như thu hút vốn đầu tư, vận dụng tối đa mức hỗ trợ cao nhất cho các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về giảm giá thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đầu tư hạ tầng, vv… Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời và điện gió thành công, tỉnh Ninh Thuận cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

ĐẶNG THỊ TOAN – SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH NINH THUẬN

Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về gió với 14 vùng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, ở Ninh Thuận ít có bão và lượng gió đều đặn suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho tua bin gió phát điện ổn định.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn có điều kiện tiếp nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời, với tổng số giờ nắng trung bình 2837,8 giờ/năm, cao nhất trên cả nước. Sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao cũng là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.

Với thế mạnh đó, tỉnh Ninh Thuận đang quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng sạch hàng đầu của Việt Nam.

Tiềm năng điện gió

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng gió lớn, với tốc độ trung bình 7,1 m/giây (độ cao 65 mét) và mật độ gió từ 400 – 500 W/m2 trở lên.

Để phát huy lợi thế này, năm 2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2015, dự kiến công suất lắp đặt đạt khoảng 90 MW, sản lượng điện gió tương ứng là 197 triệu kWh; năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 220 MW, sản lượng điện gió tương ứng là 482 triệu kWh; khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW, sản lượng 5.475 triệu kWh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 19 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, 16 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với quy mô công suất khoảng 1.154 MW và tổng vốn đăng ký xấp xỉ 37.000 tỷ đồng. Hiện có 4 dự án đã khởi công và dự tính đưa vào sử dụng, hoàn thành trong năm nay; 6 dự án đang tích cực hoàn tất thủ tục để khởi công trong năm 2018.

Nhà máy điện gió Đầm Nại là nhà máy điện gió đầu tiên của tỉnh được xây dựng, do Công ty CP TSV (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty The Blue Circle (Singapo) làm chủ đầu tư, với số vốn 1.523 tỷ đồng, trên diện tích 9,4 ha. Dự án gồm16 trụ tua bin, đường kính cánh quạt 114 mét, tầng phát điện 2,625 MW/tua bin. Đến tháng 1/2018, Nhà máy điện gió Đầm Nại đã được khánh thành và đang xây dựng giai đoạn 2, với công suất dự kiến 30 MW, tổng kinh phí khoảng 60 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2018. Đây được xem là bước khởi động cho ngành năng lượng sạch mà tỉnh Ninh Thuận hướng đến.

Ngoài dự án điện gió Đầm Nại, Ninh Thuận hiện có 3 dự án khác đang bước vào giai đoạn lắp đặt thiết bị để có thể phát điện trong năm 2018 là Nhà máy điện gió Mũi Dinh, Nhà máy điện gió Trung Nam và Nhà máy điện gió Công Hải 1. Nhà máy Điện gió Mũi Dinh do Công ty EAB (Cộng hòa Liên bang Đức) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, với công suất 37,6 MW, xây dựng trên diện tích 12 ha, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng. Nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty CP Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Bắc, quy mô công suất 105,75 MW, vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 (39,95 MW) đầu tiên vào quý IV/2018. Nhà máy điện gió Công Hải 1 do Tổng Công ty Phát điện 2 làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Bắc, quy mô công suất 40,5 MW, vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành 3 MW đầu tiên (giai đoạn 1) vào tháng 4/2018.

Nhiều điện mặt trời">dự án điện mặt trời được khởi công

Cùng với điện gió, đến tháng 3/2018, tỉnh Ninh Thuận có 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, 14 dự án đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 716,5 MW, tổng vốn đăng ký 20.079 tỷ đồng và 5 dự án đang lập thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ điều chỉnh cơ chế giá theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cũng như cả nước đang được nhiều nhà đầu tư tích cực triển khai. Đến cuối tháng 1/2018, Nhà máy điện mặt trời Bim do Công ty CP Năng lượng Bim làm chủ đầu tư tại huyện Thuận Nam đã chính thức khởi công, với công suất 30 MW, diện tích đất 34,5 ha, tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018.

Bên cạnh đó, quý I và quý II/2018, Ninh Thuận còn có 13 dự án điện mặt trời được khởi công. Trong đó, 3 dự án đã hoàn tất các thủ tục xác định nguồn gốc đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, hoàn tất đánh giá tác động môi trường, dự kiến khởi công cuối quý I và II/2018 là Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn; Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ; Trang trại điện mặt trời SP – Infra Ninh Thuận. 10 dự án còn lại đang hoàn tất các thủ tục để khởi công trong quý II/2018 như: Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu; Trang trại điện mặt trời Gelex-Ninh Thuận; Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1, vv…

Ngoài các dự án trên, với quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển kinh tế “xanh – sạch”, hiện tỉnh còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ… Khi đi vào hoạt động, các công trình không chỉ sản xuất ra năng lượng sạch, cung cấp, bổ sung vào lưới điện quốc gia, mà còn giúp tỉnh tăng nguồn thu ngân sách, tạo môi trường trong sạch, mở rộng dịch vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày một phát triển.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, tỉnh Ninh Thuận chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế, cũng như thu hút vốn đầu tư, vận dụng tối đa mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ cho các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về giảm giá thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đầu tư hạ tầng… Theo đó, các dự án năng lượng tái tạo đầu tư vào Ninh Thuận sẽ được miễn tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% theo suốt dự án và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, dự án còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển điện mặt trời và điện gió thành công, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần thực hiện một số giải pháp:

1/ Đối với lĩnh vực điện gió: Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về gió theo chuẩn quốc tế, cần tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm định thiết bị công nghệ điện gió nhằm cung cấp dữ liệu tin cậy cho việc thiết kế chế tạo thiết bị điện gió phù hợp với điều kiện Việt Nam và tính toán giá thành sản xuất điện năng làm cơ sở cho việc xây dựng các trang trại gió, cũng như chính sách hỗ trợ phát triển điện gió.

Đồng thời, sớm triển khai các giải pháp khai thác điện gió quy mô nhỏ, phân tán bằng các thiết bị công nghệ phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng dự án đầu tư nội địa hóa thiết bị tua bin gió công suất lớn, sản xuất tua bin gió công suất vừa và nhỏ phục vụ cấp điện phù hợp với điều kiện của tỉnh…

2/ Đối với lĩnh vực điện mặt trời: Năm 2012, Viện Khoa học Năng lượng – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai thực hiện Dự án Khoa học công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình điểm ứng dụng năng lượng mặt trời cấp điện cho Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận”. Kết quả phân tích số liệu hoạt động của trạm điện mặt trời nối lưới trong thời gian qua cho thấy, việc ứng dụng công nghệ điện mặt trời tại Ninh Thuận đạt hiệu quả cao so với các khu vực khác ở Việt Nam.

Hơn nữa, với lộ trình tăng giá điện hiện nay, cũng như giá thành pin mặt trời đang hạ trên thị trường thì việc đầu tư xây dựng các trạm điện mặt trời hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế, đồng thời, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ giảm được lượng CO2 phát thải vào môi trường. Sự thành công của dự án cũng sẽ cho phép nghiên cứu khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tỉnh cần nghiên cứu phát triển mô hình hệ thống cấp điện tại chỗ nối lưới từ nguồn điện gió quy mô nhỏ kết hợp với điện mặt trời nhằm cung cấp điện ổn định, tin cậy cho các khu vực dân cư có tiềm năng gió, đặc biệt là các vùng dân cư tập trung miền duyên hải Ninh Thuận.

Nguồn: Tạp Chí Năng Lượng Việt Nam

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay22
  • Tháng hiện tại21146
  • Tổng lượt truy cập2485305
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây