15:26 01/10/2019
Lượt xem: 1670
Ngày 16/9/2019, hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà máy Cát Tường ở Long An khánh thành, thuộc chương trình hợp tác phát triển develoPPP.de, do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức tài trợ, Chương trình Hổ trợ Năng lượng GIZ của Đức, Bộ Công Thương, Công ty Syntegra Solar hỗ trợ về chính sách và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty Cát Tường - cho biết, Dự án có công suất 850 kWp với 2.560 tấm pin lắp đặt trên diện tích mái 4.400 m2. Dự kiến hệ thống sẽ sản xuất 1.230 MWh điện/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu điện bình quân mỗi năm của nhà máy, giúp nhà máy tiết kiệm khoảng 102.000 USD/năm chi phí tiền điện và giảm phát thải 1.092 tấn CO2. Theo ông Hưng, Dự án sẽ là một mô hình tổng thể, toàn diện nhằm chứng minh những lợi ích của công nghệ điện mặt trời mang lại cho các khách hàng tiêu thụ điện công nghiệp, các công ty quản lý dịch vụ hạ tầng công cộng và ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Mathias Kothe - nhà sáng lập kiêm Giám đốc quản lý của Công ty Syntegra Solar International AG - cho rằng, Syntegra Solar hợp tác với Công ty Cát Tường và mang kinh nghiệm quốc tế và kiến thức chuyên sâu về công nghệ điện mặt trời tới Việt Nam. Kết quả của mối quan hệ hợp tác chính là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái chất lượng cao với hiệu quả lâu dài.
Bà Josefine Wallat, Tổng Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam – đánh giá, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái thí điểm là một dấu mốc quan trọng của dự án, hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển điện mặt trời trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại tại Việt Nam. Dự án thí điểm này sẽ là minh chứng cho những lợi ích cả về kinh tế và môi trường của năng lượng mặt trời và sẽ thúc đẩy của đầu tư tư nhân vào việc sử dụng năng lượng mặt trời trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, qua đó hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hướng tới một hệ trong khuôn khổ với sự hỗ trợ của thống điện sạch hơn và bền vững hơn. Dự án cũng hỗ trợ chuyển giao kiến thức từ Đức cho Việt Nam thông qua đào tạo nghề và nâng cao năng lực kỹ thuật đối với công nghệ xanh này.
Ông Nguyễn Tiến Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Tường – cho hay, Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam do Bộ Công Thương phát động với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời mái, công suất 1.000MWp được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc. Hệ thống điện mặt trời áp mái của Công ty Cát Tường ở Long An là dự án thí điểm và khởi đầu cho hàng triệu m2 diện tích nhà xưởng tại các khu công nghiệp trên cả nước phát huy hết tiềm năng tạo ra năng lượng của mình.
Theo ông Cường, điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp ở Việt Nam có nhiều lợi thế về tự nhiên và điều kiện khách quan để phát triển. Ngoài lượng nắng trong năm dồi dào, mặt bằng mái nhà xưởng lại tập trung, hạ tầng mạng lưới điện có sẵn... Cùng với chính sách khuyến khích của nhà nước và sự hỗ trợ của các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, đối tác nước ngoài hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiềm năng điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp ở Việt Nam.
“Từ kinh nghiệm sản xuất vật liệu lợp mái và hiệu quả năng lượng, Cát Tường dự kiến hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp qua hai cách, chuyển giao thiết bị, lắp đặt trọn gói hoặc thuê mặt bằng mái nhà để đầu tư. Qua khảo sát và tính toán với một số DN, lợi nhuận của hệ thống điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp sẽ cho lãi 18%, trong đó DN có mái nhà cho thuê hưởng 10% lợi nhuận, đây là một phương án đầu tư hấp dẫn đối với nhiều DN hiện nay”, ông Cường phân tích.
Thế Vĩnh