Khuyến khích doanh nghiệp phát triển ĐMTMN phục vụ nhu cầu tự dùng

 09:43 03/09/2021

 Lượt xem: 1702

 
Theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, định hướng chính sách trong thời gian tới sẽ khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phục vụ nhu cầu tự dùng, tận dụng lưới điện phân phối sẵn có để không tốn thêm chi phí đầu tư cũng như tránh tình trạng quá tải lưới điện.

Ngày 30/8, tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (trực thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm trực tuyến: "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt".

Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng năng lượng sạch nói chung và điện mặt trời nói riêng đang được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc biệt quan tâm. Hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp đã có tác dụng làm giảm áp lực lên hệ thống nguồn và quá tải cho hệ thống truyền tải. Sử dụng ĐMTMN không chỉ góp phần tiết kiệm điện mà còn được xem là giải pháp về bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tọa đàm trực tuyến: "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt"

Tham gia tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết, các doanh nghiệp, nhà máy, nhà xưởng… sẽ nhận được rất nhiều lợi ích thông qua việc lắp đặt ĐMTMN đó là: tạo ra lợi nhuận từ mái nhà nhàn rỗi, bảo vệ phần mái, giảm nhiệt độ phần mái góp phần giảm nhiệt không gian bên trong, giảm phát thải CO2 và sở hữu những chứng chỉ liên quan về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường có lợi trong hoạt động thương mại.

Do đó, tháng 6/2020, HBA, Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (HEPZA) và Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) phối hợp tổ chức phát động Chương trình phát triển điện mặt trời áp mái và năng lượng tái tạo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2020 – 2024.

Chương trình đặt mục tiêu phát triển 1.000MWp tổng công suất hệ thống điện mặt trời áp mái với 1.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TPHCM. Nếu hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra, hoạt động này sẽ góp phần giảm 10 - 15% lượng điện tiêu thụ, giảm 23 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng đô thị, giảm áp lực ô nhiễm môi trường.

Ông Bé cho biết, chỉ trong 6 tháng triển khai, đến cuối năm 2020, chương trình đã phát triển 300MWp ĐMTMN tại các công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở TPHCM. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, việc phát triển ĐMTMN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chững lại bởi doanh nghiệp gặp một số khó khăn bởi những yêu cầu, điều kiện mới phải thực hiện như: ngoài quy định không cho tiếp nhận số dư công suất của ĐMTMN lên lưới thì các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản mới về thủ tục cần bổ sung: giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy chữa cháy, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho biết; ngoài những rào cản về thủ tục hành chính gây khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp thì thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa công bố giá FIT3, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu, quyết định đầu tư của doanh nghiệp vì không thể tính toán chính xác hiệu quả đầu tư và thời gian hoàn vốn. Đặc biệt, việc lắp công tơ 2 chiều và ký thỏa thuận đấu nối với ngành điện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể...

Sử dụng ĐMTMN không chỉ góp phần tiết kiệm điện mà còn được xem là giải pháp về bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp

Tại tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đánh giá cao các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đầu tư ĐMTMN trong thời gian vừa qua. 

Hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13) đã hết hiệu lực. 

Ông Hùng cho biết, về định hướng thời gian tới, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có ĐMTMN. Theo đó, các dự án ĐMTMN sẽ không bị hạn chế giới hạn công suất nhưng sẽ phát triển theo đúng bản chất của loại hình này là phục vụ nhu cầu tự dùng, tận dụng hạ tầng lưới điện phân phối hiện có mà không phải tốn thêm chi phí đầu tư thêm. Theo đó, doanh nghiệp phải sử dụng 70 - 90% công suất hệ thống ĐMTMN cho nhu cầu tại chỗ, phần dư bán lên lưới điện từ 35kV trở xuống. Do đó, tuy không bị hạn chế về công suất lắp đặt nhưng doanh nghiệp cần tính toán quy mô lắp phù hợp căn cứ vào nhu cầu dùng tại chỗ của mình.

Về giá ĐMTMN, Bộ Công Thương đang dự thảo theo hướng, phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể bằng khung giá phát điện mặt trời mà Bộ Công Thương ban hành hàng năm, không phải giá cố định như Quyết định 13 trước đây để bám sát với thị trường. Phần điện dư sẽ được khống chế công suất, điện lượng. Bộ Công Thương đang hoàn thiện và sẽ sớm lấy ý kiến Bộ, ngành về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về phát triển năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có ĐMTMN.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về một số vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN như giấy phép phòng cháy chữa cháy, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường... nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng sạch này tại các khu công nghiệp trên cả nước trong thời gian tới.

Nguồn: nangluongsachvietnam.vn - Cẩm Hạnh
Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay352
  • Tháng hiện tại20922
  • Tổng lượt truy cập2289124
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây