“Ma trận” các loại thiết bị điện mặt trời áp mái

 15:21 01/10/2019

 Lượt xem: 1585

 
Tại khu vực miền Nam, doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái nhưng không ít khách hàng băn khoăn trong việc chọn lựa thiết bị nào chất lượng, phù hợp nhất để đầu tư lắp đặt.

Từ đầu năm đến nay, tại khu vực miền Nam, lượng khách hàng đăng ký lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái tăng mạnh. Không chỉ lượng khách hàng lắp đặt mới gia tăng, những khách hàng đã đầu tư điện mặt trời áp mái tiếp tục lắp thêm thiết bị, nâng công suất so với ban đầu. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Khối kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) – cho biết, tính đến đầu tháng 9/2019, đã có khoảng 1.400 khách hàng lắp điện mặt trời của SorlaBK. Số lượng khách hàng lắp đặt điện mặt trời gói BigK của SorlaBK trong tháng 7 tăng 110% so với tháng 6/2019. Theo bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, thị trường điện mặt trời không chỉ bùng nổ trong giai đoạn trước 30/06/2019, thời điểm chốt giá bán điện cố định 9,35 cent/kwh cho nhà đầu tư, mà người tiêu dùng đã bước đầu tiếp nhận điện mặt trời như một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, không bị ảnh hưởng quá nhiều về mặt chính sách và ngày càng có thêm nhiều khách hàng đăng ký mua sắm thiết bị để lắp đặt mới, nâng công suất đối với những công trình đã đầu tư trước đây.

Ông Nguyễn Văn Lý- Phó Tổng giám đốc Công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, tính đến hết tháng 8/2019, tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái mà doanh nghiệp, hộ gia đình đã lắp đặt tại khu vực miền Nam là 121.272 kWp, đạt 127 % so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao (95.650 kWp). Hiện đã có 5.982 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều bán điện dư thừa lên lưới, sản lượng phát lên lưới đạt 14.557.084 kWh. Tính đến ngày 30/8/2019, EVNSPC đã thanh toán cho 2.948 khách hàng điện mặt trời áp mái với sản lượng điện thanh toán là 7.620.128 kWh, tương đương số tiền 17,15 tỷ đồng. Theo ông Lý, nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước và hiệu qủa của hệ thống điện mặt trời áp mái mang lại cho chủ đầu tư, lĩnh vực điện mặt trời áp mái tại 21 tỉnh thành miền Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tại khu vực miền Nam, điện mặt trời áp mái đang phát triển nhanh nhưng nhiều khách hàng khó tìm được thiết bị vừa túi tiền lại mang hiệu qủa cao khi lắp đặt   

Cùng với mức tăng trưởng nhanh của lượng khách hàng đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái, nhiều khách hàng hiện đang băn khoăn về giá, chất lượng, công năng của các loại thiết bị của hệ thống điện mặt trời áp mái đang được các nhà sản xuất, nàh nhập khẩu cung cấp trên thị trường. Theo khảo sát của phóng viên, thị trường các loại thiết bị điện mặt trời áp mái hiện rất đa dạng, nhiều mẫu mã, thương hiệu. Ngoài một số thiết bị do doanh nghiệp trong nước sản xuất, hàng nhập khẩu đang được khách hàng chọn lựa là những thương hiệu có xuất xứ từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ.

Về chất lượng, nhiều khách hàng đã và đang dự định đầu tư lắp đặt thiết bị điện mặt trời áp mái cho rằng, người tiêu dùng hiện rất khó xác định được độ bền của thiết bị. Ông Huỳnh Văn Hạ, ngụ tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối năm ngoái gia đình ông đầu tư 75 triệu đồng gắn thiết bị điện mặt trời áp mái từ thiết bị của Hàn Quốc. Nhà cung cấp cam kết tuổi thọ của thiết bị là 20 năm nhưng người tiêu dùng làm sao biết được hai thập kỷ tới nó còn xài được hay không trong khi chưa có một ai ở Việt Nam đã sử dụng để mình tham khảo. Ông Trần Đức Lai, ngụ tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái từ giữa năm 2018, hiện đang tìm kiếm thiết bị đầu tư thêm 60 triệu đồng để tăng công suất. Điều ông Lai băn khoăn và mất nhiều thời gian trong việc chọn lựa mua sắm thiết bị của thương hiệu nào để đầu tư cho hiệu quả cao hơn. “Mỗi doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng những chỉ số về chất lượng, độ bền, tính năng một kiểu thì người tiêu dùng chỉ biết vậy và ít ai đủ khả năng để biết được độ chuẩn của thiết bị điện mặt trời áp mái đang bày bán trên thị trường”, ông Lai nói thêm.

Ngoài vấn đề chất lượng, giá cả của các thiết bị điện mặt trời áp mái cũng đang làm cho không ít nhà đầu tư “đau đầu” vì độ chênh lệch giá giữa cá thương hiệu đang có trên thị trường. Bà Trần Thị Dung, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh cho biết, gia đình bà dự định đầu tư thiết bị điện mặt trời áp mái với công suất 10 KWp, qua gần 3 tháng khảo giá, liên hệ hàng chục nhà cung cấp thiệt bị đều đưa ra mức giá rất cao. Khi tham gia nhóm câu lạc bộ điện mặt trời trên mạng thì giá bán gói thiệt bị 10 KWp chỉ bằng khoảng phân nửa giá các doanh nghiệp chào hàng. Từ sự tư vấn của các chuyên gia điện lực, bà Dung sắp tới sẽ mua sắm thiết bị của một doanh nghiệp trong nước sản xuất, lý do là giá mền hơn hàng nhập khẩu, thời gian bảo hành lâu hơn, thiết bị lại phổ thông nên dễ dàng thay thế sau này.

Đối với thiết bị điện mặt trời áp mái, ngoài chất lượng, giá thành, một vấn đề mà các nhà đầu tư ít ai quan tâm đó là khâu gắn thiết bị trên mái nhà sao cho hiệu qủa công năng. Ông Trần Hà, kỹ sư điện của EVNSPC chia sẻ, thông thường các nhà đầu tư mua sắm thiết bị về gắn trên mái nhà theo khung giá đỡ tấm pin có sẳn, đa số là sát mái, điều này sẽ hạn chế về công năng sản sinh ra điện, vì điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường ở Việt Nam. Theo ông Hà, cách tốt nhất là thay đổi lại giá đỡ các tấm pin, khoảng cách 40cm (khoảng 2 gang tay) thì hiệu suất công năng của thiết bị sẽ đạt hiệu quả ở mức cao hơn, thay vì gắn sát với mái nhà.

Trần Thế

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay461
  • Tháng hiện tại51193
  • Tổng lượt truy cập2459898
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây