Miền Nam tăng tốc các dự án điện mặt trời áp mái nhà

 05:18 04/08/2019

 Lượt xem: 1337

 
Từ lợi ích nhiều mặt của điện mặt trời áp mái nhà mang lại và những chính sách khuyến kích sử dụng năng lượng tái tạo của nhà nước chính là động lực thúc đẩy các dự án điện mặt trời áp mái nhà ở khu vực miền Nam có thêm nhiều công trình mới.

Phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà mang lại lợi ích kép, góp phần giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, đây là động lực kéo thêm nhiều khách hàng gắn thiết bị điện mặt trời áp mái nhà ở khu vực miền Nam trong thời gian gần đây.

Tại khu vực miền Nam, hiện đã có hơn 2.200 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái gắn công tơ bán điện 2 chiều, với tổng công suất tấm pin trên 32.000 kWp, sản lượng điện phát lên lưới đạt khoảng 3,6 triệu kWh.

Đại diện Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay nhiều hộ gia đình, cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà. Đến nay ở Bình Thuận đã lắp đặt 268 công trình điện mặt trời áp mái nhà, tổng công suất 5.081 kWp, vượt kế hoạch năm 2019 (4.500 kWp) là 581 kWp. Trước ngày 30/6/2019, Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã hoàn thành lắp đặt 8 công trình điện mặt trời áp mái nhà tại 5 đơn vị điện lực trực thuộc với tổng công suất 307,3 kWp.

Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa thực hiện chương trình khuyến mại kèm theo sự hỗ trợ vay vốn của ngân hàng cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Sau 5 tháng thực hiện, lượng khách hàng tham gia tăng hơn 200% so với trước. Đến nay, không tính khối doanh nghiệp, chỉ riêng khách hàng hộ gia đình đã có hơn 1.100 hệ BigK (gói sản phẩm điện mặt trời áp mái nhà) với tổng công suất khoảng 5,3 MWp đã được lắp đặt.Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 40 khách hàng lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái nhà, với tổng công suất hơn 600 kWp, sản lượng điện phát gần 80.000 kWh. Đến nay 6 đơn vị điện lực các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Trà Vinh cũng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất hơn 123 kWp. Tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, 15 tổ chức, cá nhân đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà, công suất gần 300 kWp. Gia đình ông Phạm Hậu Giang, ngụ tại thị xã Duyên Hải đầu tư 55 triệu đồng gắn hệ thống điện mặt trời áp mái nhà. Qua ba tháng vận hành, tiền điện chi trả so với trước đây giảm 50%, gia đình ông Giang đã được ngành điện lực trả tiền bán điện nối lên lưới bình quân 500.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết, chương trình phát triển năng lượng điện mặt trời áp mái nhà tại khu vực miền Nam tiếp tục thực hiện phổ biến công khai quy trình đăng ký, tiếp nhận hồ sơ lắp đặt, quy trình thủ tục nghiệm thu; ký hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái nhà; quảng bá, khuyến khích khách hàng lắp đặt. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn kiến thức cơ bản về điện mặt trời áp mái nhà, hướng dẫn thủ tục hồ sơ lắp đặt cho đội ngũ tuyên truyền viên; tổ chức gặp mặt, báo cáo tại các hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư, hội thảo xúc tiến thương mại của các địa phương để có chủ trương ủng hộ và cơ chế hỗ trợ việc sử dụng năng lượng sạch. Ngành điện lực miền Nam cũng sẽ gặp gỡ, làm việc với các Ban quản lý khu, cụm công nghiệp để vận động, khuyến khích khách hàng trong khu công nghiệp tham gia lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà.

Ông Phương Hoàng Kim - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – đánh giá, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện tại miền Nam. Theo ông Kim, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời áp mái với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày. Tính đến cuối năm 2025, sẽ có 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái, tương đương 1.000 MWp sẽ được lắp đặt và vận hành trên toàn quốc là mục tiêu khả thi.

Phát biểu tại hội nghị về năng lượng tái tạo vừa được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Dũng - cho biết, hiện tại Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. Trong đó, Dự án GET-FIT (Chương trình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam: hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà) do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ với tổng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 14,5 triệu Euro từ năm 2019 - 2021. Theo ông Dũng, đối tượng được tài trợ là các hộ gia đình có đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với mức hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng/1 kWp. Theo khảo sát, mỗi hộ có đủ điều kiện lắp đặt khoảng 2 - 3 kWp, do đó mức hỗ trợ dự kiến khoảng từ 6 - 9 triệu đồng/hộ, tương ứng khoảng 15% chi phí lắp đặt. Từ sự thuận lợi của tự nhiên, cùng với chính sách khuyến khích của nhà nước và các quỹ hỗ trợ nước ngoài là động lực lớn để lĩnh vực điện mặt trời áp mái nhà ở khu vực miền Nam sẽ sớm phủ lấp trên nhiều địa phương.

Trần Thế - congthuong.vn

 

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay519
  • Tháng hiện tại34073
  • Tổng lượt truy cập2010423
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây