02:51 27/08/2018
Lượt xem: 1292
Mỗi ngày tại Bangladesh, có 50.000 ngôi nhà lắp điện mặt trời">hệ thống điện mặt trời mới, nâng số lượng nhà đã lắp lên đến 4,2 triệu căn. Tương tự tại Ấn Độ, hàng triệu ngôi nhà đã lắp điện mặt trời, bên cạnh hệ thống điện gió. Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ mới có 748 nhà được ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.
Hiện đang phải phát điện vào giờ cao điểm với mức giá đắt gấp đôi điện mặt trời, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến khích phát triển điện mái nhà. “Việc này vừa giúp người dân tiết kiệm được tiền điện, vừa là mô hình giáo dục tốt về nhận thức cho giới trẻ từ gia đình, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai”, anh Đặng Quốc Toản, Giám đốc Asia Petroleum Energy chia sẻ khi giới thiệu về dự án “Triệu ngôi nhà Xanh vì Việt Nam thịnh vượng” trong chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo thường niên lần thứ 3, diễn ra từ ngày 21 đến 26/8/2018 tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.
Năm 2017, lần đầu tiên trên cả nước, người dân không chỉ sử dụng điện từ hệ thống điện mặt trời do chính mình lắp đặt mà còn có thể bán lại lượng điện dư thừa từ hệ thống lên lưới với mức giá hỗ trợ. Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng với việc nhân rộng mô hình này sẽ giảm đi đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện từ lưới, đặc biệt đối với khu vực miền Nam. Đây có thể là một giải pháp thay thế hiệu quả cho kế hoạch xây dựng thêm các dự án nhiệt điện tốn kém gây nguy hại đến môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long.
VSEA đã khởi xướng chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo lần thứ nhất tại Việt Nam từ năm 2016 và cho đến nay chương trình đã trở thành diễn đàn thường niên để các nhà hoạch định chính sách, các học giả, nhà đầu tư và công chúng – cùng thảo luận về mối quan tâm, ý tưởng và đề xuất giải pháp đóng góp cho lộ trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam theo hướng bền vững và tất yếu.
“Với thông điệp Mở đường cho năng lượng tái tạo tới từng gia đình Việt, chương trình tuần lễ năm nay hướng tới khuyến khích mọi công dân Việt Nam trở thành một phần của quá trình chuyển dịch năng lượng và trở thành những người hưởng lợi trực tiếp của quá trình này. Cùng với các đối tác, chúng tôi mong muốn sẽ dành nhiều nỗ lực hơn cho việc đẩy mạnh ứng dụng điện mặt trời để tạo đột phá cho chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trở thành những nhà sản xuất và tiêu dùng thông thái”, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, cơ quan điều phối của VSEA, cho biết.
Nguồn: Nhịp Đầu Tư