Kinhtedothi - Với chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: “Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”, Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam do Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) với cơ quan điều phối là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội sáng 17/9.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày ngày 17 - 18/9 tại Hà Nội và Cần Thơ ngày 20/9 với mục tiêu: Tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại nhằm ghi nhận các bài học thành công và tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy công cuộc chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam; Cập nhật các chính sách và cơ chế hỗ trợ, và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển dịch năng lượng của một số quốc gia trên thế giới; Trao đổi về đồng lợi ích và những tác động đi kèm từ việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Cập nhật và lan tỏa thông tin tới công chúng về các ứng dụng và những lợi ích của năng lượng tái tạo.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 có chủ đề chính: Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế. Đây là cơ hội để các bên liên quan đóng góp ý kiến vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, định hướng phát triển năng lượng và xây dựng các chính sách hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo.
Phát biểu khai mạc tại Tuần lễ, Vụ Trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên Giáo T.Ư Phạm Ngọc Linh cho biết, nguồn điện cung cấp cho phát triển công nghiệp nói riêng hay nền kinh tế nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, là nguồn phát thải CO2 chủ yếu hiện nay. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới (thảm họa cháy rừng Amazon, bão Dorian tàn phá đảo Bahamas nước Mỹ) Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Để đối mặt với tình trạng này, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển Năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. “Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nổ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện” – vị này nhấn mạnh.
Điều quan trọng bây giờ là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân (Bộ Công Thương), với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000MW, thì năng lượng tái tạo cần khoảng 15.000 là vừa. Tuy nhiên, sự phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời còn đắt, còn nhiều vấn đề. Do đó, hy vọng hiện nay tất cả các nhà đầu tư, DN lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. hy vọng khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hoá, giá hành hợp lý… thì năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.