09:22 10/03/2018
Lượt xem: 2180
Theo số liệu báo cáo năng lượng là dòng máu nuôi sống nền kinh tế. Kinh tế càng phát triển, nhu cầu năng lượng càng cao. Dự báo, nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng hơn 1/3 vào 2035 so với hiện nay, tăng nhiều ở khu vực châu Á, trong đó mức tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Á có thể lên đến 60%.
Hiện nay, nguồn năng lượng sử dụng chủ yếu từ than, dầu khí, hạt nhân, còn năng lượng tái tạo, còn được gọi là năng lượng thay thế, hay năng lượng sạch chỉ chiếm khoảng 20%, trong đó 9,3% là năng lượng sinh khối truyền thống, chủ yếu dùng nấu nướng và sưởi ấm ở các vùng nông thôn các nước đang phát triển, 4,1% nhiệt lượng từ sinh khối, mặt trời, địa nhiệt và nước nóng, 3,7% thủy điện, 1,1% điện năng từ gió, mặt trời, địa nhiệt và 0,8% nhiên liệu sinh học.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Tuyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Helios cho biết, vai trò quan trọng của năng lượng sạch trong cuộc sống đã được chứng minh và ngày càng được sử dụng phổ biến trên thế giới, nhất là các nước phát triển. Thậm chí ở Đức, có những thời điểm, các nhà máy điện năng lượng tái tạo còn dư thừa điện.
“Lợi nhuận khi sử dụng điện năng lượng mặt trời khoảng 20%/năm. Hơn nữa, phát triển năng lượng tái tạo là yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay”, ông Tuyền nói.
Tại Việt Nam, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời và ngày 12/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 16/2017 về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD.
Sau các quyết định trên, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các dự án đầu tư nhà máy điện năng lượng mặt trời (solar farm) tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để các dự án năng lượng tái tạo như solar farm, hay rooftop (điện năng lượng mặt trời trên mái nhà), điện gió phát triển tại Việt Nam. Chính vì vậy, tại Việt Nam, thị trường năng lượng sạch mới ở giai đoạn sơ khai.
“Đầu tư vào các sản phẩm dùng năng lượng sạch là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Với giá thành thiết bị ngày càng rẻ hơn, hiệu suất panel (tấm thu) ngày một cải thiện, việc đầu tư một dự án năng lượng sạch hiện nay không quá tốn kém và khó khăn”, ông Tuyền đánh giá và cho biết thêm, với các dự án bất động sản, các hệ thống rooftop solar không ảnh hưởng tới kiến trúc, xây dựng của công trình, thậm chí còn giúp chống nóng cho mái nhà, giảm khí thải CO2 ra môi trường.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, năng lượng sạch rất nhiều ưu việt, nhất là trong điều kiện các tài nguyên phục vụ cho sản xuất năng lượng ngày một cạn kiện và gây ô nhiễm môi trường. Ở các nước phát triển trên thế giới như Đức, năng lượng mặt trời phát triển rất mạnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, dù có nhiều điều kiện như khí hậu, nhất là phía Nam, lại chưa phát triển loại hình năng lượng này.
“Các chung cư, tòa nhà lớn hay các biệt thự có diện tích mái lớn rất phù hợp cho phát triển năng lượng sạch. Việc phát triển các dự án năng lượng sạch trên mái nhà không làm ảnh hưởng đến kiến trúc, thiết kế công trình. Tuy nhiên, hiện nay rất ít chủ đầu tư sử dụng, một phần là do vốn đầu tư ban đầu lớn”, ông An nói và cho biết, để khuyến khích các chủ đầu tư bất động sản đầu tư dự án rooftop solar, Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp, bởi đây chính là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong tương lai không xa, nhất là đối với việc áp dụng khai thác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Theo Kim Đức
Báo Đầu tư Bất động sản