Phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu carbon tại Việt Nam

 04:29 14/03/2019

 Lượt xem: 1393

 

Trong bối cảnh GDP Việt Nam những năm vừa qua có nhiều bước tiến ấn tượng đi cùng với nhu cầu điện năng cũng tăng cao trên 10%, phát triển các dự án năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon đang được ưu tiên để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng bền vững.

Sáng 12/3/2019 tại Hà Nội, Hội thảo Quốc tế: Phát triển Năng lượng Tái tạo hướng tới giảm thiểu Carbon tại Việt Nam đã diễn ra do Đại sứ quán Anh Hà Nội, Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), Hội đồng Công nghiệp Năng lượng (EIC), Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm trao đổi và chia sẻ những thông tin chuyên sâu về chuỗi cơ hội đi kèm với thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon.

Từ đó, tìm ra các giải pháp phát triển năng lượng carbon thấp và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là nâng cao cơ hội tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và Vương quốc Anh cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.


Hội thảo Phát triển Năng lượng Tái tạo hướng tới giảm thiểu Carbon tại Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, cùng với tốc độ phát triển nhanh của các nền kinh tế quốc dân trong khu vực, Việt Nam chắc chắn về sự gia tăng nhanh của nhu cầu năng lượng của các quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Các dự báo cho thấy, dân số của các quốc gia ASEAN sẽ tăng từ 615 triệu người lên 715 triệu người giai đoạn 2014-2025 trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung sẽ tăng ở mức trên 5% cho cùng giai đoạn.

Theo tính toán của Trung tâm năng lượng ASEAN, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng bình quân 4,7%/năm và nhu cầu điện sẽ tăng lên gấp đôi từ 2014 đến 2025.

“Rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng một cách bền vững ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước trong khu vực, và đây chính là thời điểm để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng với các mục tiêu rõ ràng và kế hoạch hành động được thiết kế tốt”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển năng lượng một cách bền vững ngày càng trở nên quan trọng

Việc đảm bảo nhu cầu năng lượng trong khi đảm bảo sự phát triển bền vững vẫn luôn là thách thức to lớn với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ấn tượng từ 6-7%. Nhưng mặt khác, nhu cầu điện năng đã tăng trên 13% cho giai đoạn 2000-2010 và trên 11% cho giai đoạn 2011-2016, riêng năm 2018 vừa qua là trên 10%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, trước đây nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP (gần đây hệ số này đã có xu hướng giảm đi – một xu thế tích cực) và nhu cầu điện năng tăng cao liên tục nhiều năm như vậy tạo ra những sức ép lớn về đầu tư cho năng lực phát điện, truyền tải và phân phối của quốc gia.

Nhìn về tương lai, các dự báo chỉ ra rằng từ nay cho đến năm 2030, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao từ 6,5 – 7,5%/năm, do đó ưu tiên cao phải được dành cho đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước một cách bền vững.

Theo Qui hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MWW hiện nay.

Như vậy, khoảng 83.000 MWW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030, cũng với đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng tái tạo) dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, v.v…

Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050.

Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển ấy, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối, v.v…

Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu, v.v…

“Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một “làn sóng” đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Thứ trưởng khẳng định.

Đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW.

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 02 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW.

Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua vẫn đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên, v.v…

Bởi vậy, trong thời gian tới, sẽ cần có một chương trình để giải quyết lần lượt các bất cập này.


Các diễn giả đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Vương quốc Anh và Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Đồng tình với quan điểm của đại diện Bộ Công Thương, ông Gareth Ward – Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam trong những năm gần đây nổi lên là một nhà sản xuất năng lượng quan trọng ở Đông Nam Á và được xếp trong nhóm bốn các quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về sản xuất dầu khí và trữ lượng dầu.

Đồng thời, nhu cầu cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang ngày càng tăng và Chính phủ cũng có những sáng kiến​ để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong gió và mặt trời.

Với vai trò là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về gió ngoài khơi với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu là 7.6GW, Anh luôn cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ việc chuyển hướng sang nền kinh tế xanh hơn, giảm thiểu carbon, ở cả Vương quốc Anh và trên toàn thế giới.

“Tôi tin rằng Hội thảo này sẽ là nền tảng để Vương quốc Anh hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm sắp tới”, ông Gareth Ward chia sẻ.

Cũng tại Hội thảo, 30 doanh nghiệp của Vương quốc Anh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh đã có những chia sẻ với phía Việt Nam về cách tiếp cận chính sách và phát triển các khung pháp lý và chia sẻ chuyên môn hàng đầu thế giới về năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon, từ nghiên cứu và đổi mới đến giảm chi phí và công nghệ.

Nguồn: Tạp Chí Công Thương

Tin liên quan
Sản phẩm
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay103
  • Tháng hiện tại21308
  • Tổng lượt truy cập2485467
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây