09:07 23/07/2018
Lượt xem: 1381
Hậu tiềm năng là vậy nhưng trong quá trình hiện thực hóa còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực và bước đi phù hợp.
Năng lượng điện và gió- xu hướng năng lượng mới được nhiều quốc gia lựa chọn (Ảnh minh họa)
Góc nhìn khác về điện truyền thống
Hiện nay, nguồn điện năng cung cấp cho sinh hoạt người dân và sản xuất kinh doanh ở nước ta được cung cấp chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện.
Ưu điểm của nguồn điện này là giá rẻ nhưng theo các nhà khoa học, cái giá chúng ta phải trả lại tương đối đắt. TS Đào Trọng Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho biết: Giá điện truyền thống hiện nay trung bình là 7,3 cents/KWh (khoảng 1.700đ/KWh). So với thế giới, giá trên thấp hơn gần 2,5 lần. Đây là điều đáng mừng với người dân nhưng lại là nỗi lo với các nhà khoa học bởi giá rẻ do chúng ta được trợ giá hoặc chi phí ngoại biên cho sức khỏe người dân, môi trường thấp.
Đánh giá về tác động của điện truyền thống, đặc biệt là nhiệt điện, GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, các bãi chứa tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện cũng như việc tìm chỗ chôn lấp chúng là vấn đề lớn với vấn đề môi trường và đời sống, sức khỏe người dân.
Sau khi tiến hành khảo sát nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), GS Trân khuyến cáo cần lưu ý những tác động của cảng than để phục vụ sản xuất điện, việc xuất hiện các bãi xỉ quanh nhà máy có thể làm thay đổi địa hình, địa mạo, đặc biệt khi bụi phát tán sẽ ảnh hưởng đến đất và nước. Hơn nữa, việc các nhà máy lựa chọn hình thức chôn lấp tro xỉ giống như việc “cấy” vào môi trường (cơ thể sống) một vật thể xa lạ đòi hỏi phải tiên liệu các phản ứng…
Cơ hội nào cho nguồn năng lượng mới
Với những thách thức hiện có, đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để các công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế, phát triển và áp dụng.
Ông Nghiêm Vũ Khi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Chuyên gia về năng lượng tái tạo Rainer Brohm (Công ty tư vấn RB-Đức) nhận định: Thế giới đang chứng kiến xu hướng phát triển năng lượng mới. Đó là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo và sự thoái trào của nhiệt điện than. Bằng chứng là Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ chiếm gần 75% nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo thế giới trong năm 2017.
Câu hỏi đặt ra là đầu tư ban đầu cho năng lượng tái tạo cao hơn năng lượng truyền thống, vậy tại sao vẫn được nhiều quốc gia lựa chọn. Và khi nguồn năng lượng này trên toàn cầu đạt đến ngưỡng “không còn đường lui” thì Việt Nam tính sao?
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Nghiêm Vũ Khải nhận định: Chuyển dịch sang năng lượng xanh là quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
TS Đào Trọng Tứ lại cho rằng: Mục tiêu mà nhà nước ta phấn đấu là giảm phát thải đến cuối thế kỷ 21 sao cho nhiệt độ tăng từ 1,5-2 độ. Do đó, câu chuyện sử dụng năng lượng tái tạo không còn lạ, thậm chí ngày càng có nhiều chứng cứ, cơ sở khoa học chứng minh năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, có thể phát triển.
“Là chuyên gia về nước, tôi thấy phát triển năng lượng tái tạo và giảm dần năng lượng than là điều nên làm”, TS Đào Trọng Tứ nhận định. Bởi, phát triển năng lượng tái tạo từ điện, gió sẽ tận dụng được nguồn lực tự nhiên. Hơn nữa, giảm dần nguồn điện từ năng lượng hóa thạch để bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự bền vững của môi trường.
Nói vậy để thấy, cơ hội cho điện tái tạo phát triển ở nước ta rất lớn. Nhưng làm thế nào để hiện thực hóa. Đây là hành trình dài cần sự thay đổi về nhận thức, đầu tư kỹ thuật và công nghệ khai thác cùng với chính sách để giảm giá thành sản xuất và kêu gọi đầu tư.
Nguồn: Báo Mới