09:43 13/11/2018
Lượt xem: 1368
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn về Đề án Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035, Quảng Bình là tỉnh tiềm năng gió tương đối tốt, có khả năng phát triển điện gió quy mô công nghiệp ở các huyện ven biển như các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy với tổng tiềm năng gió kỹ thuật đạt khoảng trên 1052 MW.
Đây là cơ sở cho việc phát triển sản xuất điện gió và tự sản tự tiêu cho trang trại, hộ gia đình không nối lưới. Đến năm 2020, công suất lắp đặt được đề xuất khoảng 330 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 858 triệu kWh. Đến năm 2025, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 422 MW với sản lượng gió tương ứng 1.097 triệu kWh và sau năm 2025, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 300 MW, sản lượng gió tương ứng 780 triệu kWh…
Ảnh minh họa
Theo đó, việc Quy hoạch phát triển điện gió nhằm xây dựng Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước thông qua việc đẩy mạnh phát triển điện từ các dạng năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió.
Đối với Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, tiềm năng các khu vực thuộc tỉnh Quảng Bình có thể phát triển nhà máy điện mặt trời đó là huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 599,5 MWp và nhu cầu sử dụng đất khoảng 717,8ha, trong đó giai đoạn đến năm 2020, tổ chức khai thác khoảng 179,5 MWp/214,8 ha; giai đoạn đến năm 2021 – 2025: khoảng 180MWp/215ha; giai đoạn đến năm 2036 khoảng 240 MWp/288 ha. Với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên, tổng mức đầu tư là 14.911 tỷ đồng, ước tính phân kỳ đầu tư Quy hoạch phát triển điện mặt trời theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2020 là 4.585tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); giai đoạn năm 2021 – 2025 là 4.565 tỷ đồng (tương đương 202 triệu USD); giai đoạn năm 2026 – 2035 là 5.761 tỷ đồng (tương đương 254 triệu USD).
Đơn vị tư vấn cho rằng, việc quy hoạch phát triển điện mặt trời sẽ giúp nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và các bên có liên quan chủ chốt trong ngành đánh giá được tiềm năng, hiện trạng khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời cho mục đích sản xuất điện; sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từ đó đề ra lộ trình khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời một cách hiệu quả, bền vững. Quy hoạch còn giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai thực hiện dự án tại địa phương theo quy hoạch được phê duyệt đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển điện mặt trời đã được Chính phủ phê duyệt trong Tổng Sơ đồ phát triển điện VII điều chỉnh.
Cũng tại buổi họp, đại diện các sở ngành đã góp ý để hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh việc Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng và có tính cấp thiết. Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Công Thương, đơn vị tư vấn trong việc xây dựng, hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Bình.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang, thời gian tới, Sở Công Thương và đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến đề xuất của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương, nhất là nghiên cứu, xem xét các ý kiến trái chiều để bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch, trong đó cần lưu ý việc Quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời phải hài hòa với quy hoạch khác trên địa bàn; không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp, du lịch và môi trường sinh thái; điều chỉnh các địa danh phù hợp với thực tế; cập nhật cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông đã được phê duyệt nhằm có sự kết nối; xem xét vấn đề đấu nối hệ thống điện lưới Quốc gia hợp lý và có tính khả thi…
Nguồn: Báo Mới