21:39 17/05/2020
Lượt xem: 1540
70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng
Năm 2019 Việt Nam có 138.139 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, là năm thứ 4 liên tiếp đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn hàng đầu là vốn. Nhưng tiếp cận vốn tín dụng lại không hề đơn giản. Theo một khảo sát của VCCI, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, tỷ lệ lên tới 70%. Trong đó, gần 1/3 không thể tiếp cận, 1/3 khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn không phải vì nguồn vốn hạn hẹp. Theo thông tin của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, các ngân hàng vẫn đảm bảo về quỹ vốn tín dụng và muốn cho vay nhưng doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định như phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phải có tài sản thế chấp… để ngân hàng đảm bảo thu hồi được tiền và quản lý được dòng tiền, giúp hoạt động cho vay diễn ra hiệu quả. Đây là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Nguồn vốn tín dụng là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất (Ảnh minh họa internet)
Đi theo hướng sản xuất xanh, doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh
Tăng trưởng tín dụng xanh đang được các ngân hàng quan tâm vài năm trở lại đây. Nhiều ngân hàng còn có những chương trình ưu đãi dành riêng để phát triển tín dụng xanh. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03 về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường – xã hội khi các ngân hàng cấp tín dụng. Theo Chỉ thị này, các ngân hàng khi cấp tín dụng phải chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng của doanh nghiệp, dự án. Không chỉ dành cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, tín dụng xanh hướng đến tất cả các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất xanh, hướng đến mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ hệ sinh thái chung. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất xanh – sạch, các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng sạch, điện mặt trời áp mái… được ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn triển khai gói tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đầu tư xây lắp các điện mặt trời">dự án điện mặt trời mái nhà với tỷ lệ tài trợ lên đến 70% tổng mức đầu tư.
Điện mặt trời áp mái được nhiều doanh nghiệp phát triển khi đi theo hướng sản xuất xanh
Không chỉ nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất xanh còn có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, trái phiếu xanh… Tất nhiên, để vay được vốn, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được các quy định của ngân hàng như chứng minh tính hiệu quả, thông tin minh bạch, có kinh nghiệm về công nghệ xanh, đầu ra sản phẩm được đảm bảo… Nhưng rõ ràng, cơ hội hỗ trợ vốn đã mở rộng hơn với các doanh nghiệp, để thêm nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng đòn bẩy tài chính này cho sự phát triển bền vững.
Nguồn: Vu Phong Solar |