Tập trung khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo

 08:57 20/03/2020

 Lượt xem: 1240

 
Việc khai thác, ứng dụng năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm tạo nguồn cung cấp điện đang là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đây cũng là giải pháp để từng bước loại bỏ những nguồn điện sử dụng nhiên liệu truyền thống làm phát sinh khí thải, tác động tiêu cực đến môi trường sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư cho NLTT ở Việt Nam hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp.
Tập trung khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo
 

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Khai Anh, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN

Chưa khai thác hết tiềm năng

Là xứ sở nhiệt đới gió mùa, địa hình đa dạng, nhiều vùng địa lý và đường bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam có tài nguyên NLTT dồi dào có thể khai thác tạo ra điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất với các loại hình: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối... Các nghiên cứu cho thấy, nguồn năng lượng gió thường tập trung ở các tỉnh ven biển, công suất phát điện khoảng 800 đến 1.400 kWgiờ/m2/năm; nguồn năng lượng mặt trời cho phép cung cấp 4.500 MW điện (ước tính gấp khoảng 13 lần tổng công suất của hệ thống điện hiện nay) và dễ ứng dụng. Nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) được một số địa phương sử dụng, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo nơi mà lưới điện chưa kéo tới được, như một số bản làng thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, một số đảo Cô Tô, Ngọc Vừng, Quan Lạn (Quảng Ninh), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho sản xuất cũng như phục vụ đời sống người dân.

Phát triển điện từ NLTT sẽ đa dạng nguồn phát và không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường, đồng thời giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển ngành công nghiệp môi trường. NLTT cũng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế ở những địa phương vốn là vùng trũng. Mặt khác, phát triển NLTT điện gió sẽ giúp hiện thực hóa chiến lược kinh tế biển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các dự án đầu tư cho NLTT còn chậm, các dự án điện gió không nhiều. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cả nước có chín nhà máy điện gió (công suất 44 MW), 91 nhà máy ĐMT (công suất 4.680 MW) và hơn 10 nhà máy điện sinh khối (công suất 369 MW) đã đi vào hoạt động; bảo đảm lượng truyền tải để huy động tối đa năng lực phát điện của 81 trong tổng số 100 nhà máy điện gió và ĐMT lên đến 86% công suất các nguồn điện này được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Bình Thuận là địa phương đang thu hút đầu tư nhiều dự án sử dụng NLTT nhất, với tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió tài chính là 23.549 ha, chiếm 3% diện tích toàn tỉnh. Tổng công suất điện gió lắp đặt trong khu vực có tiềm năng gió tài chính ước khoảng 1.570 MW. Số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ, lượng bức xạ tổng cộng hằng năm là 1.961 kWgiờ/m2 và trung bình hằng ngày khoảng 3,35kWgiờ/m2. ĐMT của tỉnh cũng đang được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm. Toàn tỉnh có 113 khu vực trong dự án tiềm năng quy hoạch ĐMT với diện tích tiềm năng quy hoạch là 14.198 ha; 20 dự án điện gió với tổng công suất 812,5MW của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió Bình Thuận. Trong đó, có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất 607 MW, tổng mức đầu tư gần 25.800 tỷ đồng... Đã có 21 dự án ĐMT đã hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại với tổng công suất là 903,48 MW.

Đáng chú ý, tất cả các nhà máy ĐMT đang hoạt động đều ứng dụng công nghệ phản ứng quang điện. Ông Nguyễn Hoàng Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ĐMT Solarcom cho biết, trên thế giới có ba loại tấm pin năng lượng mặt trời: pin đơn tinh thể, đa tinh thể và pin dạng phim màng mỏng. Các nhà máy ĐMT tại Bình Thuận sử dụng tấm pin đa tinh thể có hiệu suất khoảng từ 17% - 19%. Loại pin này tuy thấp hơn hiệu suất của pin đơn tinh thể, nhưng có ưu điểm giá thành rẻ, độ bền cao (khoảng 25 năm), việc xử lý môi trường sau vòng đời sử dụng đơn giản. Ngoài ra, ngày càng có nhiều gia đình lắp đặt thiết bị ĐMT áp mái bởi lợi ích từ việc sử dụng năng lượng sạch. Đã có 82 dự án ĐMT ký hợp đồng với Công ty điện lực Bình Thuận bán điện dư và phát ngược lên lưới điện.

Đẩy mạnh triển khai các dự án NLTT

Thực tế triển khai các dự án NLTT, các nhà đầu tư cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về việc sử dụng đất, vốn, đấu nối, giải tỏa công suất, tiếp cận công nghệ mới, nguồn dự phòng hay cơ chế chính sách… Bà Dương Thị Nga, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) nhận định: Ứng dụng nhiều công nghệ mới sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng, đây cũng là rào cản lớn để phát triển nguồn NLTT hiện nay. Tuy nhiên, muốn có tính cạnh tranh kinh tế với các nhiên liệu hóa thạch, những công nghệ mới này sẽ sớm ứng dụng tiến bộ trong công nghệ nhằm giảm chi phí để có thể đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Ngoài yếu tố giá thành sản xuất cao, một số rào cản khác đối với sự phát triển NLTT có thể kể đến như: thiếu các chính sách và tổ chức hỗ trợ cho phát triển NLTT; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách; công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho NLTT chưa phát triển; khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án NLTT.

Việc phát triển quá nhanh ĐMT trong khoảng thời gian ngắn và tập trung đấu nối vào một số đường dây cũng gây quá tải công suất lưới điện. Trong sáu tháng đầu năm 2019 có tới tám nhà máy ĐMT tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình được đấu nối tổng công suất khoảng 264,36 MW, vượt xa khả năng truyền tải cho phép. Để hạn chế những sự cố có thể xảy ra do việc vận hành quá tải lưới điện thì buộc phải cắt giảm công suất các nhà máy điện trên tuyến này. Các nhà máy ĐMT và điện gió trong khu vực phải cắt giảm từ 38% đến 65% công suất, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi ngày.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết: Đến nay, GreenID đã nghiên cứu và triển khai hỗ trợ cho người dân ứng dụng các giải pháp NLTT cấp thiết, có thể kể đến: Mô hình cấp nước uống tinh khiết cho trường học và cư dân sử dụng pin NLMT tại một số tỉnh: Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, An Giang, Đắk Lắk, Cà Mau cùng hệ thống ĐMT tại hộ gia đình cho các hộ dân chưa có điện ở vùng biên giới tỉnh An Giang, Đắk Lắk... Tuy nhiên, theo bà Khanh, khi chuyển dịch sang NLTT gặp một số khó khăn như chúng ta chưa có những chính sách cần thiết làm cơ sở cho phát triển NLTT và chưa có luật về NLTT để làm cơ sở pháp lý. Vì vậy, rất khó cho các nhà đầu tư định hướng lâu dài trong việc phát triển các nguồn năng lượng sạch. Nguồn nhân lực trong ngành NLTT cũng chưa được chú ý, đến nay mới chỉ có một số trường đại học đào tạo chuyên ngành về NLTT.

Từ những khó khăn, trở ngại, các doanh nghiệp triển khai NLTT cho rằng, cần nhìn nhận nguồn NLTT là một loại tài nguyên quý, cần đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch. Để khai thác được hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng này, cần sớm có những quy định về cơ chế, chính sách cụ thể. Chính sách cần quan tâm, chú ý tới cả quy mô tập trung và phân tán, song hành với đẩy mạnh thực hiện cải cách ngành điện và thị trường điện cạnh tranh để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch. Ngành ngân hàng nên tạo điều kiện cho đầu tư NLTT, có cơ chế giảm rủi ro cho đầu tư vào NLTT để thu hút nguồn tài chính và sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tiềm năng này. Bên cạnh đó, cần bám sát chính sách và thị trường để phát triển mới hoặc nâng cấp các chương trình đào tạo nhân lực, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, công nghệ, hướng nghiệp, đào tạo nghề chuẩn bị nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng.

Đặc thù của NLTT là sự phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý… cũng như công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó, thúc đẩy phát triển NLTT, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể hơn về: cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ; thực hiện các dự án giải tỏa công suất NLTT là cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện phát hết công suất.

NINH CƠ VÀ ĐÌNH CHÂU

Tin liên quan
Sản phẩm
Giỏ hàng
0

Giỏ hàng: 0 mặt hàng

Tổng tiền:

Xem chi tiết

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2
  • Tháng hiện tại34582
  • Tổng lượt truy cập2010932
Nhà Thông Minh Cần Thơ
CÔNG NGHỆ XANH SOLAR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây