10:56 19/08/2019
Lượt xem: 1476
Tháng nào cũng được ngành Điện trả tiền!
“Trước đây, khi trời nóng, tất cả các cửa hàng bán sách của chúng tôi đều phải bật điều hòa phục vụ khách hàng, tuy có mát, nhưng xót tiền điện lắm! Từ khi lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, Công ty không phải lo khoản chi phí này nữa, mà còn được ngành Điện trả thêm tiền” - Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Sách - Thiết bị trường học Đắk Lắk.
Từ cuối năm 2017, công ty này đã lắp đặt thí điểm ĐMTAM đầu tiên công suất 86 kWp. Qua 1 năm sử dụng, không chỉ nhiệt độ dưới mái nhà giảm, mà tiền điện hàng tháng cũng giảm đáng kể. Hệ thống điện mặt trời cho sản lượng điện 344 kWh/ngày. Do đó, mỗi tháng nhà sách thu được hơn 12 triệu đồng nhờ bán điện thừa cho ngành Điện. Trong khi đó, tiền điện phải trả chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/ tháng. Thấy rõ lợi ích, nên Công ty đã lắp thêm 4 hệ thống năng lượng này tại các nhà sách còn lại. Ông Hùng cho biết thêm: “Khi lắp đặt, vận hành hệ thống ĐMTAM, Công ty luôn nhận được sự hướng dẫn rất tận tình của cán bộ, công nhân Điện lực Nam Buôn Ma Thuột. Hơn nữa, chỉ số đo đếm của Điện lực luôn trùng khớp với chỉ số đo đếm của chúng tôi, tạo được sự tin tưởng từ hai phía”.
Ngày càng nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư ĐMTAM |
Từ tháng 9/2018, gia đình ông Triệu Quốc Thạnh (số nhà 144 đường Núi Thành, TP. Đà Nẵng) đã lắp ĐMTAM với công suất nhỏ chỉ 3 kWp. Theo ông Thạch: “Tháng 05/2019, hệ thống sản xuất được 426 kWh, gia đình chỉ sử dụng 300 kWh, số còn dư bán cho ngành Điện. Khi nhận được tiền từ việc bán điện, tôi vui lắm! Dù số tiền hơn 300.000 đồng/tháng là không nhiều, nhưng cũng góp được chút điện cho quốc gia và gia đình xài điện vào ban ngày thoải mái hơn”.
Hiện nay, ngày càng nhiều người dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo ông Nguyễn Trung Hướng, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Năng lượng Môi trường TNHH Bảo Gia Khang (Đà Nẵng): Nếu như trước đây, Công ty phải tìm đến khách hàng để thuyết phục, 3 tháng qua, lượng khách hàng tìm đến Công ty nhờ tư vấn lắp đặt đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá pin mặt trời hiện nay rất thấp so với vài năm trước, tuổi thọ tăng lên khoảng 25-30 năm, các gia đình sẵn sàng đầu tư, vừa được sử dụng điện thoải mái, vừa có thể bán điện dư thừa cho Điện lực. Nếu các hộ dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đầu tư sản xuất điện theo hướng này, vấn đề thiếu điện mùa khô không còn là nỗi lo nữa.
Người dân yên tâm đầu tư
Tính đến 30/5/2019, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã chi trả hơn 972 triệu đồng cho 134 khách hàng bán ĐMTAM tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, 2 địa phương có số dự án và tiền bán điện nhiều nhất là Đà Nẵng và Đắk Lắk.
Ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, ngay khi nhận được đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái từ khách hàng, các công ty điện lực sẽ tiến hành khảo sát và thông báo kết quả trong vòng 1 ngày. Khi khách hàng hoàn thành lắp đặt và gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án, Điện lực sẽ kiểm tra đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều miễn phí và ký hợp đồng mua bán điện trong thời hạn 3 ngày làm việc.
Trao đổi với chúng tôi tại buổi ký hợp đồng lắp điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Hữu Thành (Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho biết, ông phấn khởi khi thủ tục hợp đồng đơn giản, nhanh gọn, cơ chế thanh toán rõ ràng minh bạch. Trong vòng 7 ngày, kể từ khi khách hàng xác nhận chỉ số công tơ, ngành Điện sẽ thanh toán tiền mua điện cho khách hàng thông qua hình thức chuyển khoản.
Hiện EVNCPC cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ để có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho khách hàng lắp đặt ĐMTAM; phát triển các mô hình ESCO, kêu gọi bên thứ 3 đầu tư cho việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Theo PetroTimes